TỪ NGỮ TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ:
1. “CƠ QUAN CHỦ QUẢN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN” (sau đây gọi tắt là “Cơ quan chủ quản”) là các cơ quan Trung ương của Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”), cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi (sau đây gọi tắt là “chương trình, dự án”).
2. “CHỦ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN” (sau đây gọi tắt là “Chủ dự án”) là đơn vị được cơ quan chủ quản giao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án.
3. “BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN” là đơn vị được giao trách nhiệm giúp chủ dự án quản lý và thực hiện các chương trình, dự án.
4. “BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN” (sau đây gọi tắt là “Ban chỉ đạo”) là Ban được thành lập gồm đại diện có thẩm quyền của cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan với nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giám sát và điều phối thực hiện chương trình, dự án. Trong một số trường hợp cần thiết, trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ, Ban chỉ đạo có thể bao gồm đại diện nhà tài trợ.
5. “DANH MỤC TÀI TRỢ” là danh mục gồm một hoặc nhiều chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án yêu cầu tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt và nhà tài trợ thống nhất tài trợ, làm cơ sở để cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ xây dựng văn kiện chương trình, dự án và viện trợ phi dự án.
6. “DỰ ÁN” là tập hợp các đề xuất có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu nhất định, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định và dựa trên những nguồn lực xác định. Dự án bao gồm dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật.
7. “DỰ ÁN ĐẦU TƯ” là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Dự án đầu tư bao gồm hai loại:
a) “Dự án đầu tư xây dựng công trình” là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình nhằm mục đích phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời hạn nhất định. Dự án đầu tư xây dựng công trình được phân loại theo dự án quan trọng quốc gia và các dự án thuộc Nhóm A, B, C theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình;
b) “Dự án đầu tư khác” là dự án đầu tư không thuộc loại Dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Điểm a Khoản này.
8. “DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT” là dự án có mục tiêu hỗ trợ phát triển năng lực và thể chế hoặc cung cấp các yếu tố đầu vào kỹ thuật để chuẩn bị, thực hiện các chương trình, dự án thông qua các hoạt động như cung cấp chuyên gia, đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, tư liệu và tài liệu, tham quan khảo sát, hội thảo.
9. “CHƯƠNG TRÌNH” là một tập hợp các hoạt động, các dự án có liên quan đến nhau và có thể liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.
10. “CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA” là chương trình, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
11. “CHƯƠNG TRÌNH KÈM THEO KHUNG CHÍNH SÁCH” là chương trình kèm theo các điều kiện về chính sách, giải pháp cải cách kinh tế vĩ mô, ngành, lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện theo một lộ trình nhất định.
12. “CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô” là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối chung và các cơ quan chủ quản của các dự án thành phần.
13. “CHƯƠNG TÌNH, DỰ ÁN KHU VỰC, TOÀN CẦU” (sau đây gọi tắt là “Chương trình, dự án khu vực”) là chương trình, dự án được tài trợ bằng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho một nhóm nước thuộc một hay nhiều khu vực địa lý, trong đó có sự tham gia của Việt Nam, để thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm đạt được những mục tiêu xác định vì lợi ích của các bên tham gia và lợi ích chung của khu vực hoặc toàn cầu.
14. “VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN” là tài liệu trình bày bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, kết quả, các hoạt động chủ yếu, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác, cơ chế tài chính trong nước và hình thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án. Đối với các dự án đầu tư, văn kiện dự án là Báo cáo nghiên cứu khả thi.
15. “VIỆN TRỢ KHI DỰ ÁN” là phương thức cung cấp vốn ODA không theo các dự án cụ thể. Viện trợ phi dự án được cung cấp dưới dạng tiền, hiện vật, viện trợ mua sắm hàng hóa, chuyên gia.
16. “HỖ TRỢ NGÂN SÁCH” là phương thức cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi, theo đó các khoản hỗ trợ được chuyển trực tiếp vào ngân sách của Nhà nước; được quản lý, sử dụng theo các quy định, thủ tục ngân sách của Việt Nam và phù hợp với nội dung đã thỏa thuận với nhà tài trợ.
17. “VAY THƯƠNG MẠI” là khoản vay theo điều kiện thị trường tương tự các điều kiện vay tín dụng xuất khẩu hoặc huy động trên thị trường vốn quốc tế.
18. “ODA VÀ VAY ƯU ĐÃI KHÔNG RÀNG BUỘC” là khoản ODA và vốn vay ưu đãi không kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến cung cấp, mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một số nhà cung cấp hoặc quốc gia nhất định theo quy định của nhà tài trợ.
19. “ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CÓ RÀNG BUỘC” là khoản ODA và vốn vay ưu đãi có kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến cung cấp, mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một số nhà cung cấp hoặc quốc gia nhất định theo quy định của nhà tài trợ.
20. “ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI” là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA và vốn vay ưu đãi. Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi bao gồm:
a) “Điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi” là điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thể hiện cam kết về các nguyên tắc và điều kiện chung có nội dung liên quan tới chiến lược, chính sách, khung khổ hợp tác, phương hướng ưu tiên trong cung cấp và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; các lĩnh vực, các chương trình, dự án thỏa thuận tài trợ; điều kiện khung và cam kết ODA và vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm đối với chương trình, dự án; những nguyên tắc về thể thức và kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình, dự án;
b) “Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi” là điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thể hiện cam kết về việc tài trợ cho chương trình, dự án cụ thể hoặc hỗ trợ ngân sách, có nội dung liên quan tới mục tiêu, hoạt động, kết quả phải đạt được, kế hoạch thực hiện, điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên, các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ trong quản lý, thực hiện chương trình, dự án và điều kiện giải ngân, điều kiện trả nợ đối với khoản vay cho chương trình, dự án.
21. “VỐN ĐỐI ỨNG” là khoản đóng góp của phía Việt Nam bằng hiện vật hoặc tiền để chuẩn bị, thực hiện chương trình, dự án và được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn do chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn đối ứng khác.
22. “KHU VỰC TƯ NHÂN” trong Nghị định này được hiểu là khu vực kinh tế ngoài nhà nước.