BỐI CẢNH THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VIỆT NAM 2011-2015:
Những năm đầu của thế kỷ 21, đánh dấu sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, trong đó tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ đáy đại dương. Nhiều ngành công nghiệp mới rất phát triển nhờ sự thúc đẩy và xâm nhập nhanh của tri thức và công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; cùng với nó, những ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, tư vấn, thương mại điện tử…phát triển vượt trội làm cho khu vực dịch vụ tăng rất nhanh, hình thành nên các ngành kinh tế chủ lực và mũi nhọn mới làm thay đổi cơ cấu kinh tế truyền thống.
Xu thế toàn cầu hóa đang lan rộng và diễn ra mạnh mẽ sẽ tác động đến sự phát triển của mọi quốc gia; bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội giao lưu kinh tế, thúc đẩy quan hệ về thương mại, du lịch và đầu tư. Trong sự phát triển kinh tế toàn cầu, vai trò của các công ty đa quốc gia là rất quan trọng, có vai trò then chốt, hình thành nên sự phân công lao động mới. Việc tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tạo nên sự cạnh tranh, phụ thuộc và hợp tác cùng nhau giữa các quốc gia đang ngày càng phổ biến; kinh tế tri thức đang phát triển mạnh, do đó tri thức và con người đang là lợi thế tất yếu của mỗi quốc gia.
Toàn cầu hóa nền kinh tế là xu thế tất yếu khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều các nước tham gia. Xu hướng đó sẽ làm thay đổi cấu trúc không gian kinh tế - xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh những cơ hội phát triển đang mở ra, kinh tế thế giới đang phải vật lộn với suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là khu vực đồng EURO, trong sự xung đột vũ trang khu vực và khủng bố, đặc biệt ở nhiều nước Trung đông và Châu phi; hệ quả tàn phá nặng nề của biển đổi khí hậu ngày càng rõ rệt trong lúc thế giới còn đang chia rẽ và bất đồng về những giải pháp để khắc phục và giảm nhẹ thiên tai…
Bối cảnh tình hình nêu trên đã gây ra những tác động tiêu cực đối với thế giới trên nhiều mặt, chủ yếu là:
Kinh tế và thương mại thế giới hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường: trong đó nền kinh tế Mỹ, đầu tàu của thế giới vẫn đang ở giai đoạn phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, GDP quý 3 năm 2011 đạt 1,8% tăng 0,5 % so với quý 2 cùng năm (Theo Cục phân tích kinh tế Mỹ). Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao, trên 8% mặc dù chính phủ đang tiến hành một loạt cải cách giải pháp cải cách kinh tế. Ở Châu Âu, các nền kinh tế lớn như Đức và Pháp tăng trưởng thấp (GDP tăng 0,5% ở Đức và 0,3 % ở Pháp), đồng thời phải đối mặt với mức độ trầm trọng gia tăng của cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu. Khu vực Đông Nam Á gồm In-đô-nê-xi-a, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philipin và Xin-ga-po tiếp tục phát triển năng động hơn với nhiều hình thức hợp tác liên kết đa dạng. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao là mối quan ngại của khu vực này, điển hình trong năm 2011 Việt Nam dẫn đầu về chỉ số lạm phát với hơn 18%, Malaysia, Philipin và Thái Lan đều có mức lạm phát tăng so với năm 2010. Trong tình trạng này, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 thấp hơn dự báo thời điểm đầu năm, trong đó các nước phát triển tăng 2,2%, các nước đang phát triển tăng 6,3% và tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước khủng hoảng (Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13, 2011). Tình hình kinh tế khó khăn chung đối với các nước, nhất là các nước phát triển thành viên của Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC) thuộc Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) tác động tiêu cực đến nguồn vốn mà các nước này dành cho ODA để hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển.
Thiên tai diễn biến phức tạp với những hậu quả ngày càng nặng nề hơn: Trong năm 2011, thế giới chứng kiến các thảm họa thiên nhiên lớn chưa từng có như động đất, sóng thần ở Nhật Bản, vòi rồng tại Mỹ và trận lũ lớn lịch sử ở Thái Lan, động đất xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Đông, Nam Mỹ, lũ lụt, hạn hán xẩy ra ở nhiều nơi tại châu Phi, Trung Á; mặc dầu các quốc gia đã có những nỗ lực để giảm nhẹ thiên tai, như đã đạt được thống nhất về Quỹ khí hậu xanh và quy trình để đưa ra một thỏa thuận chung mang tính pháp lý bắt buộc tại Durban, Nam Phi. Song thế giới cần làm nhiều hơn nữa để đạt được một bản đồng thuận mang tính phát lý toàn cầu để tiếp tục nghị định thư Kyoto nhằm bảo vệ hành tinh trước những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Liên Hiệp Quốc nhận định “có thể Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới nếu nước biển tiếp tục dâng lên với tốc độ như hiện nay”. Cũng theo báo cáo này thì nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại tới 17 tỷ USD/năm; 1/5 dân số sẽ bị mất nhà cửa; 12,2% đất màu mỡ bị mất; 40.000 Km2 đất đồng bằng và 17 km2 đất ven biển bị lụt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, theo kịch bản của Ngân hàng Thế giới, mực nước biển được dự đoán sẽ tăng 33 cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Biến động giá năng lượng và các nguồn nguyên liệu đầu vào tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho các nền kinh tế dựa nhiều vào nhập khẩu như Việt Nam: giá cả năng lượng biến động khôn lường, giá lương thực và nguyên liệu đầu vào tiếp tục leo thang đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, nhất là các nước dựa nhiều vào xuất nhập khẩu, đời sống người dân, nhất là ở các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù đã gần tới thời hạn thực hiện những Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ, (MDGs) song đói nghèo vẫn hiện hữu trên khắp thế giới: Thế giới ước tính khoảng một nửa dân số thế giới – 3 tỷ người sống dưới 2,5 USD một ngày. Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhất là ở nhiều nước đang phát phát triển và một số nền kinh tế mới nổi. Việt Nam đã đạt được nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, nhất là Mục tiêu giảm 50% tỷ lệ đối nghèo. Tuy nhiên, xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam chưa bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa như trình bày ở trên, nguồn vốn của các nước tài trợ dành cho ODA sẽ bị hạn chế, trong khi đó nhu cầu về nguồn vốn này của các nước nghèo và đang phát triển tiếp tục tăng lên mạnh mẽ. Thực tế này đẩy cuộc cạnh tranh nguồn vốn ODA giữa các nước đang phát triển trên bình diện toàn cầu lên một cao trào mới. Lợi ích thu hút và sử dụng có hiệu quả ODA sẽ thuộc về các nước đang phát triển, xử lý đúng đắn hai vấn đề then chốt: (1) Chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn hợp lòng dân của các Chính phủ, (2) Việc sử dụng vốn ODA tạo ra những tác động kinh tế, xã hội rõ rệt để thúc đẩy quá trình phát triển. Hai vấn đề này cũng thường được các nhà tài trợ tại Việt Nam sử dụng như một lăng kính để soi rọi vào tình hình phát triển của các địa phương khi họ nghiên cứu và đưa ra chính sách tài trợ cho các tỉnh và thành phố.
Trong khu vực Đông Nam Á, Hiệp Hội ASEAN đang ở thời điểm chuyển giao lịch sử, hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – xã hội. Hiệp hội trở thành một tổ chức liên Chính phủ chặt chẽ, gắn bó, năng động, hướng tới người dân. Việt Nam sẽ là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm để phát huy vai trò trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như thực hiện sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển giữa bốn nước thành viên (Việt Nam, Lào, Căm-pu-chía, Myanmar) với các nước thành viện còn lại, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng... Đây là thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam phát huy vai trò năng động trong khu vực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ, bao gồm ODA của các nước đối tác của ASEAN, nhất là các nước nước lớn và phát triển trong và ngoài Châu Á.