Hiện nay, chưa có các khái niệm cụ thể và thống nhất về Đấu thầu qua mạng (Đấu thầu điện tử) mặc dù hình thức này được rất nhiều nước thực hiện thành công; khái niệm được sử dụng nhiều và phổ biến nhất là của nhóm liên ngân hàng phát triển MDB (Multilateral Development Bank), theo đó: "Đấu thầu điện tử là việc Chính phủ ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông để thực hiện các giao dịch về mua sắm trực tuyến qua mạng internet"; tại Mục 13 – Điều 4 – Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có quy định “Đấu thầu qua mạng là Đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia”.
Tại Việt Nam việc Đấu thầu qua mạng được áp dụng thử nghiệm bắt đầu từ năm 2009 và chính thức áp dụng từ 01/01/2016 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 08 tháng 09 năm 2015, Quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; theo số liệu thống kê của Cục quản lý Đấu thầu trong năm 2018 số lượng gói thầu tổ chức Đấu thầu qua mạng là khoảng trên 19.000 gói, với tổng giá trị gói thầu trên 46.000 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác Đấu thầu qua mạng Chính phủ đã có những chính sách rất mạnh mẽ; ngày 13/7/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng Đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025; bên cạnh đó ngày 15/11/2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia.
Việc tổ chức Đấu thầu qua mạng đảm bảo được những mục tiêu chính của tổ chức lựa chọn nhà thầu là công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế; đặc biệt việc tổ chức Đấu thầu qua mạng sẽ giảm thiểu được những rủi ro và hạn chế tối đa các hình thức tiêu cực; Đấu thầu qua mạng là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), với các thông tin công khai và minh bạch các doanh nghiệp có thể lựa chọn được các gói thầu phù hợp để “đấu”, việc cạnh tranh là hoàn toàn sòng phẳng và đảm bảo tính bí mật trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu hiện nay vẫn chưa được nhiều các cơ quan triển khai, chưa đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ. Từ trước đến nay Bên mời thầu, Nhà thầu vẫn quen với cách thức tổ chức Đấu thầu, tham gia thầu theo cách truyền thống, nên một số Bên mời thầu, Nhà thầu nghĩ rằng việc tổ chức, tham gia thầu theo cách truyền thống sẽ chắc chắn và ít rủi ro hơn (mặc dù thực tế không phải như vậy); là đơn vị chuyên trong lĩnh vực Tư vấn Đấu thầu, hàng năm Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D đã tham gia tư vấn cho hàng trăm gói thầu cho Chủ đầu ư, Bên mời thầu về Đấu thầu qua mạng, hầu hết là việc lập Hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu (up hồ sơ lên mạng Đấu thầu Quốc gia, đóng/mở thầu,…), đánh giá hồ sơ dự thầu; trong quá trình tư vấn Đấu thầu qua mạng chúng tôi rút ra một điều là hầu hết Bên mời thầu tổ chức lần đầu qua mạng đều rất ái ngại trong việc lập và up hồ sơ lên mạng (do chưa nắm rõ các quy trình, mặc dù đã có nhiều văn bản, tài liệu hướng dẫn chi tiết); cũng tương tự là đối với các nhà thầu khi lựa chọn được các gói thầu phù hợp các nhà thầu thường sử dụng các dịch vụ tư vấn lập Hồ sơ dự thầu của S&DINVEST để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình gửi Hồ sơ qua mạng.
CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐẤU THẦU S&DINVEST